Xã Hương Thọ (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), nơi hợp long hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch của sông Hương, là vị trí an vị của 9 lăng chúa Nguyễn. Ghi nhận của PV Thanh Niên đầu tháng 5.2024 cho thấy, qua bao thăng trầm lịch sử, một trong số công trình lăng mộ này đã xuống cấp, hoang hóa, cỏ mọc um tùm.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho hay những điều kiện trên đã gây khó khăn, hạn chế trong việc thăm viếng, dâng hương của du khách vào các lăng chúa Nguyễn thời gian qua.
Theo ông Trung, những công trình lăng chúa Nguyễn có quy mô nhỏ so với hệ thống di tích "khổng lồ" ở Huế. Qua khảo sát, đánh giá, xét nhiều yếu tố, thời gian qua, việc đầu tư để trùng tu, chỉnh trang được đơn vị ưu tiên cho các công trình, quần thể lớn. Song song đó, hệ thống lăng chúa Nguyễn chỉ được bảo vệ, trông coi và quản lý.
Đến nay, UBND TP.Huế đã đầu tư mở lối vào các lăng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng tiến hành đặt biển chỉ dẫn, sửa chữa những hạng mục nhỏ như dọn dẹp, để phục vụ việc tham quan của du khách.
"Việc làm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và người hành hương cũng như tỏ tấm lòng thành kính với những bậc tiền nhân, người có công với đất nước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện trong khả năng, tùy theo độ xuống cấp, ưu tiên trước mắt là làm vệ sinh chống hoang hóa, trồng cây tạo cảnh quan", ông Hoàng Việt Trung nói.
Điểm chung về 9 lăng chúa Nguyễn
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết do cùng được xây dựng lại dưới đầu triều Nguyễn nên quy mô, cấu trúc lăng các chúa Nguyễn về cơ bản tương tự nhau. Các lăng này đều phân bố ở phía tây, tây nam Kinh thành, dọc hai bờ sông Hương.
Mỗi lăng đều có 2 lớp tường thành hình chữ nhật bao bọc, xây bằng đá núi, gạch vồ; trước mặt và sau lưng đều có bình phong xây gạch đá che chắn; bình phong sau bao giờ cũng gắn liền với lớp thành ngoài; bình phong trước thì dựng độc lập. Nấm mộ (gọi là Bảo phong) xây hình khối chữ nhật, giật 2 - 3 cấp; trước mặt Bảo phong có án bằng đá hoặc xây gạch.
Trước mộ có hương án, sau cổng có bình phong trang trí long mã và rồng. Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng cùng kiểu, ghép nổi mành sành sứ hoặc đắp nổi vôi vữa.
Theo ông Phan Thanh Hải, sự giống nhau này cũng rất dễ hiểu vì tất cả các lăng trên đều được tái xây dựng và tu bổ trong các thời điểm gần tương tự nhau (Trùng kiến đầu thời Gia Long, trong 2 năm 1808 - 1809), tu sửa năm Minh Mạng 21 (1840) và đầu thời Thiệu Trị (1841).
Ông Hải nhận thấy, tuy quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn về sau nhưng lăng mộ các chúa đều có vị trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thủy địa lý.
Điều đó được ông Hải phân tích cụ thể ở các điểm như: Các lăng mộ đều tọa lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng, trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm "tụ thủy". "Minh đường" của lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi chầu về làm thế "tay ngai" (Tả Long, Hữu Hổ)… Các lăng chúa ở vị trí tương đối xa nhau và đều cách trung tâm Huế khá xa. Điều này chứng tỏ người xưa đã bỏ rất nhiều công sức cho việc tìm kiếm mảnh đất làm "Sinh phần" cho các chúa Nguyễn. Hướng của các lăng rất phong phú chứ không chỉ tuân theo nguyên tắc "Nam diện" (xoay mặt về hướng nam) của đại đa số các công trình kiến trúc (cả kiến trúc nhà cửa lẫn kiến trúc lăng mộ) thời vua Nguyễn về sau.