Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
ĐỐT, RẢI VÀNG MÃ CHUYỂN BIẾN TỪ NHẬN THỨC ĐẾN HÀNH ĐỘNG
Ngày cập nhật 13/02/2023

Việc đốt, rải vàng mã trên đường phố, nơi công cộng từ lâu đã là một hiện tượng diễn ra khá phổ biến, các tuyến đường rực lửa hóa vàng trong các tối ngày rằm, ngày lễ tết, những mâm lễ ngồn ngộn đồ vàng mã,... Để kêu gọi các tầng lớp Nhân dân không đốt, rải vàng mã khi đưa tang, nơi công cộng và tại các cơ sở thờ tự là việc làm hết sức tế nhị và nhạy cảm, cần kiên trì chuyển biến từ nhận thức đến hành động.

Nguồn gốc
   Theo quan niệm xa xưa của nhiều cộng đồng cư dân tiền công nghiệp, việc đốt, rải vàng mã được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm” để người chết ở “cõi âm” cũng có cuộc sống như ở “cõi dương” cũng cần có những vật dụng dành cho cuộc sống “trần sao âm vậy”; là cách duy nhất mà chúng ta có thể gửi tiền hay đồ đạc tạ lễ thần linh, thần phật, gia tiên.
   Tại Trung Quốc, từ thời nhà Hạ (khoảng từ 2070-1600 TCN), đã có tục làm đồ đất, đồ gỗ chôn theo người chết. Đến đời nhà Chu (khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ III TCN), lại có tục tuẫn táng, chôn sống vợ con, bộ hạ, đồ vật yêu thích của vua, các quan lớn khi họ chết. Về sau, thấy việc tuẫn táng là vô nhân đạo nên người Trung Quốc chế ra người gỗ, người cỏ để chôn thay người thật; song vẫn gây nên nhiều ác cảm, căm phẫn trong lòng các nhà Nho nổi tiếng như Khổng Tử, Mạnh Tử. Trong Kinh Lễ, Khổng Tử quở: “Ai bày ra hình nhân thế mạng để chôn theo người chết đó là kẻ bất nhân.” Mạnh Tử (372-289 TCN) cũng cho rằng: “Ai làm ra bồ nhìn con gỗ bởi cái lệ chôn sống người, là kẻ tuyệt tự.” Đến thời nhà Hán (206 TCN-220 SCN), lệ tuẫn táng được bãi bỏ, nhưng vẫn chôn theo các món đồ dùng thật; đồng thời xuất hiện việc làm nhà mồ để người thân người chết ra ấp mộ, làm phông đá quanh nhà mồ.
   Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế (221-210 TCN), thấy việc chôn đồ thật theo người chết quá lãng phí đã ra lệnh cấm, thay bằng nghi thức tượng trưng, tùy táng bằng tiền giả, vàng giả,... (làm bằng giấy). Tục này rất thịnh hành vào thời Đường (thế kỉ VII) và bắt đầu truyền vào Việt Nam. Như vậy có thể thấy, tục đốt, rải vàng mã ở điểm khởi nguyên rất nhân văn, nhằm tránh sự lãng phí của cải và cả sự dã man, vô nhân đạo (với việc chôn theo người chết). Theo nguồn tư liệu đã dẫn trên, đã chứng minh rằng tục đốt, rải vàng mã xuất hiện ở nước ta vào thời kỳ Bắc thuộc [đời nhà Đường (618 - 905)].
   Đốt, rải vàng mã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực đối với đời sống
   Với cuộc sống hiện đại, con người cơ bản đã được đáp ứng đầy đủ về nhu cầu vật chất,“Phú quý sinh lễ nghĩa” - đã hình thành nên tâm lý và niềm tin ở một bộ phận người dân, rằng, người thân ở cõi âm được đốt càng nhiều tiền vàng và đồ mã thì cuộc sống ở dưới đó càng dư dả, người thân sẽ phù hộ nhiều hơn cho người sống sự bình yên, làm ăn phát đạt, giàu có và sung túc hơn. Vì vậy, họ không tiếc tiền để sắm cho người chết những đồ mã đắt tiền. Tuy nhiên, tâm lý này cũng đã kéo theo đó không ít những hệ lụy tiêu cực mà chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ.
   Thứ nhất, tục đốt, rải vàng mã gây tốn kém tiền của: Đốt, rải vàng mã thực chất là dùng tiền thật mua đồ giả để cúng (đốt, rải) cho người chết. Số tiền mua tiền vàng, đồ mã để rải, đốt trong một năm của mỗi gia đình dù không lớn, song nếu tính toàn xã hội thì con số sẽ không nhỏ. Tâm lý chung của chúng ta, không muốn để người thân “đã khuất” của mình thiếu thốn, thua thiệt với những gia đình khác nên đã tạo ra sự bắt chước nhau trong việc mua sắm đồ mã, ganh đua nhau chi tiền vào một việc lãng phí, tốn kém không cần thiết, không dành tiền vào các việc hữu ích. Thay vào đó, tiền mua vàng mã nên để dùng làm công việc từ thiện thì thiết thực hơn.
   Thứ hai, người làm nghề làm vàng mã và người đốt vàng mã đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên: theo nhiều nghiên cứu gần đây, vàng mã được làm ra từ loại giấy đặc biệt, trong đó có chứa chất “benzen” - là một loại chất độc và gây mê, khi con người hít phải sẽ gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, các bệnh về mắt, da, sau thời gian tích chứa nhiều có thể dẫn đến tử vong. Mặt khác, việc đốt, rải vàng mã ra ngoài môi trường gây ô nhiễm nặng nề cho không khí và nguồn nước.
   Thứ ba, các cơ sở sản xuất tiền vàng, đồ mã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ - việc đốt, rải vàng mã gây mất đoàn kết tại khu dân cư, nguyên liệu chủ yếu để làm là giấy, tre và những nguyên vật liệu khác dễ bắt lửa, bất cứ lúc nào cũng đe dọa đến tài sản và tính mạng của người lao động và các hộ dân xung quanh. Không ít trường hợp người dân đốt, rải vàng mã làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như vệ sinh chung của khu dân cư (đặc biệt là tại các khu đô thị với không gian chật hẹp), đã tạo ra không ít các cuộc xung đột làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình đoàn kết của khu dân cư.
   Thứ tư, dần hình thành tư tưởng mê tín dị đoan khó từ bỏ. Trên thực tế những người thường đốt, rải vàng mã nhiều hơn bình thường đều tin vào những điều không thực tế, lâu dần dẫn đến hành động mê tín dị đoán, chỉ tập trung vào những nghi lễ không cần thiết mà bỏ quên việc làm ăn kinh tế, chăm sóc gia đình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả nhiều gia đình tan vỡ.
   Từ nhận thức đến hành động
   Nhằm chấn chỉnh, hạn chế việc Đốt vàng mã, từ năm 2009, UBND thành phố Huế đã thông qua Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và ban hành Quy định về nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố. Cùng với chủ trương của UBND Tỉnh trong việc đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đặc biệt là hạn chế dần, tiến tới xóa bỏ nạn đốt vàng mã tại các khu vực di tích, lễ hội, danh lam thắng cảnh và nơi công cộng. Ngày 17/8/2016, thành phố Huế ban hành Quyết định số 6113/2016/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố Huế về việc ban hành Quy định về đốt và rải vàng mã trên địa bàn thành phố Huế và điều chỉnh trực tiếp 2 hành vi: cấm rải vàng mã khi đưa tang, hạn chế đốt vàng mã, việc đốt và rải vàng mã phải thực hiện theo đúng quy định. Về chế tài xử lý cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Cùng với đó là sự chung tay vào cuộc của Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát hành văn bản 031/CV-HĐTS ngày 22/02/ 2018, nội dung văn bản yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của Giáo hội. Đồng thời, đề nghị các chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân từ bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam; yêu cầu hệ thống các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường,… nhất là các tu viện đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo.
   Đốt, rải vàng mã được xem là một trong những bước thực hiện của nghi lễ thờ cúng, một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Song, bên cạnh những giá trị tâm linh đó, chúng ta cần lưu ý việc đốt, rải vàng mã một cách thái quá gây lãng phí công sức và tiền của, ảnh hưởng sức khỏe, trật tự công cộng và môi trường sống. Dù không thể xóa bỏ ngay bằng các biện pháp quyền lực nhà nước, nhưng việc kêu gọi người dân hạn chế đốt, rải vàng mã trong các nghi lễ thờ cúng, tang ma và lễ hội là làm thay đổi nhận thức để chuyển biến thành hành động trong toàn xã hội.
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 860.606
Truy cập hiện tại 33