Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943, 80 năm nhìn lại và chặng đường tiếp theo
Ngày cập nhật 21/02/2023

Thực hiện nội dung Công văn số 227/SVHTT-QLVHGĐ ngày 15 tháng 2 năm 2023 của Sở Văn hóa và Thông tin về việc tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hoá Việt Nam” (1943-2023).

Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943

==========

Nhà văn Nguyễn Hiền Lương

Vào những năm 40 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của nước ta lúc đó rất rối ren. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng cam go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phát xít Nhật, Pháp hòng giết chết nền văn hóa dân tộc. Một bộ phận tầng lớp trí thức tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, do thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Trong bối cảnh ấy, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách đó, Tháng 2/1943, Đảng ta ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Đề cương gồm 05 phần, trong đó, xác định phạm vi, nội hàm của văn hóa, bao gồm ba thành tố cơ bản là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; phân tích rõ mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá; xây dựng nền văn hóa mới theo 3 ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đề cương cũng vạch ra phương hướng tập hợp các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sỹ tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đã qua 80 năm, Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Nhiều định hướng quan trọng của Đề cương 1943, đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Các nghị quyết của Đảng đều khẳng định: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), năm 1998 chỉ rõ: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Văn hoá là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng… Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện…”. Có thể thấy, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng, định hướng phát triển văn hóa trong trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, 2021, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, đồng thời là mục đích của việc phát triển văn hóa. Có thể xem, Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng về văn hóa đã tiếp thu, đúc kết tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa. Nghị quyết cũng thể hiện sự nhận thức nhạy bén về tình hình thực tiễn và dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ mới, nhằm làm cho văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng, phát triển một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11 năm 2021, trong bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Đồng thời, Đảng ta khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh”. Với tỉnh Yên Bái chúng ta, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, 2021 cũng đã xác định: Phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”…, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Điều đó cho thấy việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chú trọng tới yếu tố con người đã được toàn bộ hệ thống tổ chức Đảng quan tâm, thực hiện.

Trải qua gần một thế kỷ, có thể khẳng định Đề cương về văn hóa 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Với những giá trị ấy, trong chặng đường tiếp theo của cách mạng Việt Nam, Đề cương văn hóa sẽ vẫn tiếp tục là những định hướng quan trọng để Đảng vận dụng, phát triển đưa văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới. Để các Nghị quyết về văn hóa của Đảng đi vào cuộc sống, không chỉ là trách nhiệm riêng của Đảng mà là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, nghệ nhân văn hóa dân gian.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 893.222
Truy cập hiện tại 69