Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Kết nối, phát triển cảng biển Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 02/08/2023
(CTTĐT) - Khu bến Chân Mây có vị trí xây dựng chiến lược, rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực, dễ dàng tiếp cận với tuyến Quốc lộ 1A, nằm giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nằm giữa 2 đô thị lớn của miền Trung là Đà Nẵng và Huế, là vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng: Tuyến trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung; cửa ngõ hướng ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây nối các nước Myanma, Thái Lan, Lào.
Việc đầu tư, mở rộng các bến cảng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng cảng Chân Mây
Việc đầu tư, mở rộng các bến cảng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng cảng Chân Mây

 

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579 năm 2021 đã thể hiện quan điểm phát triển cảng biển có trọng tâm, trọng điểm theo nhóm cảng, theo vùng và theo vị trí, vai trò chức năng của cảng biển, bến cảng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực, tạo điều kiện phát huy chức năng, hiệu quả khai thác cảng biển gắn liền với ưu thế về vùng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, lợi thế về các điều kiện tự nhiên để thúc đẩy các hoạt động kinh tế cho khu vực nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Riêng về Quy hoạch cảng biển Thừa Thiên Huế. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 11,60 triệu tấn đến 18,42 triệu tấn. Đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 25,12 triệu tấn đến 30,42 triệu tấn, trong đó hàng container từ 0,2 triệu TEU đến 0,4 triệu TEU.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Tỉnh sẽ cải tạo, nâng cấp luồng Chân Mây cho tàu trọng tải đến 70.000 tấn và quy hoạch Khu bến Chân Mây từ 08 cầu cảng đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài đến 3.231m, năng lực thông quan đến 22,92 triệu tấn. Phát triển các bến cảng phục vụ trực tiếp các cơ  sở công nghiệp, nhà máy liền kề theo nhu cầu.

Bên cạnh đó là nâng cấp các Khu bến Thuận An, Phong Điền đón tàu 3.000 đến 5.000 tấn; năng lực thông qua đến 6,0 triệu tấn. Đông thời, nghiên cứu khả năng hình thành bến cảng hàng lỏng/khí tiếp nhận tàu trọng  tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện tại khu bến Chân Mây, Phong Điền phục vụ cho các dự án điện khí hoặc tổng kho khí phát triển phù hợp với Quy hoạch  phát triển điện lực và Quy hoạch tổng thể về năng lượng.

Kết nối thuận tiện với cảng Biển

Hiện nay kết nối giao thông với cảng Biển khá phong phú và thuận lợi. Trong đó, về giao thông đối ngoại có QL1, đường Cao tốc Bắc - Nam với nhiều điểm lên xuống tại các nút Giao TL14 La Sơn; Cầu Tuần và TL9 kết nối với khu công nghiệp Phong Điền và Cảng Phong Điền thuộc khu bến Phong Điền; có đường sắt Bắc – Nam; Sân bay Phú Bài cách Cảng Chân Mây khoảng 50km (nằm giữa hai sân bay quốc tế là sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng), cách cảng Thuận An khoảng 25km, cách Khu bến Phong Điền khoảng 50km.

Về giao thông đối nội đang dần hoàn thiện kết nối từ cảng đến các đầu mối giao thông quan trọng. Như Chân Mây với QL1, các ga đường sắt, đường Phong Điền – Điền Lộc.

 Cảng Chân Mây được đầu tư sẽ tăng năng lực vận tải hàng hóa

Bên cạnh đó, Tỉnh đã có những chính sách thu hút đầu tư như thế nào để phát triển kinh tế cảng biển. Đặc biệt, để phát huy lợi thế và tiềm năng Cảng Chân Mây, HĐND tỉnh thông qua số Nghị quyết số 18 và NQ số 25 năm 2022, quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đơn vị, doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container đi/đến cảng Chân Mây, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023. Chính nhờ vậy, qua 5 tháng đàu năm 2023, đã đón 560 lượt tàu, lượng hàng hơn 1,6 triệu tấn, hàng container gần 3.000 TEU.

Sự kiện lần đầu tiên cảng Chân Mây đón chuyến tàu container quốc tế hay đón chuyến tàu container đầu tiên Hải An View, mở ra tuyến dịch vụ vận tải container Hải Phòng - Chân Mây - Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế.

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư cùng với các chính sách, cơ chế của tỉnh trong khai thác tuyến hàng hải tại Khu bến Chân Mây, trong thời tới sẽ có tác động tích cực trong việc phát triển kinh tế hàng hải tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Phát triển cảng Chân Mây trở thành cảng biển loại I

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để phát triển cảng Chân Mây nhằm đáp ứng yêu cầu của cảng biển loại I theo quy hoạch của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt ra các giải pháp. Cụ thể, phát huy hiệu quả khai thác các bến cảng số 01, 02, 03 tại Khu bến Chân Mây đã được đầu tư, trong đó chú trọng khai thác hàng container.

Xúc tiến nhanh việc thu hút đầu tư câu lạc bộ thủy thủ để cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch và thủy thủ đoàn khi tàu cập cảng Chân Mây. Đẩy mạnh phát triển các khu CN để tăng năng lực sản xuất, tăng lượng hàng hoá đi/đến cảng Chân Mây.

Kêu gọi và triển khai đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để phục vụ lưu thông hàng hóa, làm nhiệm vụ tiếp chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Bến số 4, số 5 - cảng Chân Mây để đưa vào khai thác; Kêu gọi và triển khai đầu tư xây dựng mới các bến số 6, 7, 8, bến tàu khách du lịch và các bến phía Tây tại Khu bến Chân Mây nhằm góp phần hoàn thiện hạ tầng cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện chức năng tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan, tiếp nhận tàu khách quốc tế cỡ lớn tại Khu bến Chân Mây đi đến các nước trong khu vực.

“Tỉnh sẽ tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trên địa bàn khu kinh tế như, các tuyến giao thông trục chính, các tuyến giao thông đối ngoại liên vùng, xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây. Kêu gọi và triển khai đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để phục vụ lưu thông hàng hóa, làm nhiệm vụ tiếp chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực…”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 860.743
Truy cập hiện tại 54