(CTTĐT) - Tết Nguyên đán Tết Giáp Thìn 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện đón Tết cổ truyền của dân tộc đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; theo đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần đảm bảo các điều kiện phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thăm, tặng 108.855 suất quà với tổng kinh phí 34.341.100.000 đồng cho các đối tượng chính sách xã hội. Các huyện, thị xã, thành phố Huế đã bố trí ngân sách tặng 5.821 suất quà với tổng kinh phí 2.231.300.000 đồng; các xã, phường, thị trấn tổ chức tặng 7.219 suất quà với tổng kinh phí 1.180.103.000 đồng cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng khác trên địa bàn. Thực hiện công tác chúc thọ, mừng thọ cho 3.661 người cao tuổi tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi với tổng kinh phí 1.981.600.000 đồng.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nên tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường khá ổn định, lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã và chủng loại, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá đột biến làm bất ổn thị trường. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và hưởng ứng Tháng bán hàng khuyến mại, các doanh nghiệp tích cực triển khai các chương trình khuyến mại với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: mua hàng tặng hàng, giảm giá, chiết khấu thương mại, khách hàng thường xuyên, dùng thử sản phẩm, tích lũy điểm trúng thưởng, bốc thăm trúng thưởng, quay số trúng thưởng…Với sự chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường do vậy tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định: giá cả hàng hóa không có biến động lớn, không xảy ra tình trạng sốt giá, lượng hàng hóa luôn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; không phát hiện trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, pháo hoa trái phép.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2024. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào dịp đầu năm. Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết. Thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, phổ biến quy định, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Doanh thu từ du lịch ước đạt 160 tỷ đồng, tăng 4,82% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023
Để người dân được vui xuân, đón Tết, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán.
Tổ chức chương trình nghệ thuật mừng Đảng mừng Xuân với chủ đề “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn” tại Quảng trường Cột Cờ - Ngọ Môn. Ngoài chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa, trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức kết hợp bắn pháo nổ tầm cao tại thành phố Huế, huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang; bắn pháo hoa nổ tầm thấp phía trên Cột Cờ Đại Nội và tại Cầu Ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng công cuộc đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước” phục vụ nhân dân và du khách.
Tổ chức các hoạt động vui Xuân phục vụ Nhân dân và du khách tại Đại Nội Huế và các điểm di tích; Tết Hoàng cung tại Đại Nội Huế; Lễ đổi gác, biểu diễn đại nhạc, tiểu nhạc, ca Huế, các trò chơi cung đình, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật... mở cửa miễn vé đón Nhân dân tham quan di tích từ ngày 10 đến hết ngày 12 tháng 02 năm 2024 (mồng 01 - 03 Tết Nguyên đán).
Ngoài các hoạt động trên, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với quy mô thích hợp để phục vụ nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi mừng Đảng mừng Xuân 2024; mỗi xã, phường, thị trấn có một điểm vui xuân tập trung.
Từ ngày 07/02 đến ngày 15/02/2024 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mồng 06 tháng Giêng Tết Nguyên đán Giáp Thìn), ước có khoảng 102.000 lượt khách đến tham quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, lượng khách du lịch tăng 20% so với cùng kỳ dịp Tết năm 2023, doanh thu từ du lịch ước đạt 160 tỷ đồng, tăng 4,82% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Các lực lượng chức năng phối hợp tốt trong việc nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, bảo đảm thông tin liên lạc; chuẩn bị tốt các lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên sẵn sàng huy động ngay khi có lệnh. Cùng với đó, duy trì lực lượng tổ chức tốt công tác tuần tra kiểm soát, chốt trực trên các tuyến trọng điểm; tăng cường kiểm tra, phối hợp các đơn vị liên quan bảo đảm trật tự ATGT đô thị, đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, trật tự, an toàn của người dân trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024.
Ngoài ra, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, thông tin liên lạc được quan tâm triển khai; cung ứng điện, nước đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong dịp Tết.
Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị ra quân, tổ chức sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới với khí thế sôi nổi, nỗ lực cao để hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh đã đề ra.