(CTTĐT) - Sáng ngày 30/7, tại Hà Nội, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị.
Theo chương trình Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày Báo cáo dẫn đề về tình hình triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù số lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm trình Quốc hội tại Kỳ 7 là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay (25 luật, nghị quyết), với nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng nhưng hầu hết hồ sơ đã được chuẩn bị đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong quá trình soạn thảo, trình, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, qua đó đảm bảo tiến độ, chất lượng trình như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; các dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An…
Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được thực hiện linh hoạt, chủ động hơn, cho nên, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung Kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó nhưng vẫn bảo đảm thông suốt.
Có dự án trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp nhưng đã vượt tiến độ, trình theo quy trình 1 kỳ họp như Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); có dự án luật được Chính phủ đề xuất soạn thảo theo thủ tục rút gọn với sự quyết tâm cao độ nhằm đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định luật vào cuộc sống (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng). Các dự án đề nghị bổ sung vào Chương trình đồng thời với việc cho ý kiến hoặc thông qua được thực hiện hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ phía các cơ quan, đại biểu Quốc hội và Nhân dân cả nước.
Trên cơ sở đó, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao (có luật được thông qua với tỷ lệ 100% như Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp).
Nội dung các luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều chính sách mới, quan trọng, dự kiến sẽ tác động tích cực đến việc: (i) bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ); (ii) thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn với chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững (Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng); (iii) thể chế hoá kịp thời một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (Luật Đường bộ); (iv) hoàn thiện cơ sở pháp lý với các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô Hà Nội (Luật Thủ đô) và một số tỉnh, thành phố.
Một số luật có thể coi là điểm nhấn quan trọng trong công tác lập pháp tại Kỳ 7 như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Đường bộ; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng cho phép 4 Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, qua đó, góp phần sớm đưa các nội dung đổi mới, tiến bộ, ưu việt của các luật đi vào thực tiễn nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hoá thị trường bất động sản, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành luật; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở…
Luật Đường bộ đã kế thừa và tiếp tục phát triển các quy định còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; tạo cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở tái cơ cấu các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đường bộ.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giúp mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo thuận lợi để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Báo cáo dẫn đề về tình hình triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cho biết về kết quả bước đầu triển khai thi hành luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, ngay sau khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết.
Đến nay, nhiều Kế hoạch đã được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền như Luật Đường bộ; Luật Thủ đô; Luật Lưu trữ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cảnh vệ;...
Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ biến luật, nghị quyết.
Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia.
Các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cập nhật, đăng tải toàn văn nội dung văn bản lên Cổng/Trang thông tin điện tử để cán bộ và Nhân dân dễ tiếp cận. Các cơ quan truyền thông đã có hàng nghìn tin, bài để giới thiệu, phổ biến về nội dung cơ bản của các luật, nghị quyết.
Sau khi 13 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 717 ngày 27/7/2024). Theo đó, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 121 văn bản, trong đó một số luật phải ban hành nhiều văn bản như Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (44 văn bản), Luật Bảo hiểm xã hội (14 văn bản), Luật Đường bộ (12 văn bản), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (12 văn bản)…
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát 5 nhóm nhiệm vụ, yêu cầu trọng tâm để triển khai thi hành có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó lưu ý cần sớm hoàn thiện, trình ký ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết.
Chính quyền địa phương khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết 120 nội dung được giao.
Trên cơ sở các tài liệu phổ biến luật, nghị quyết đã được xây dựng, tổ chức tuyên truyền, quán triệt rộng rãi, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của các luật, nghị quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật nhằm giúp các bộ, công chức, viên chức hiểu đúng, rõ nội dung và tinh thần đạo luật, tạo niềm tin, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.