Dự tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam; Viện Nghiên cứu và trường đại học liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của Ban Kinh tế Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; các nhà nghiên cứu, hoạch định, theo dõi và quản lý quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ sâu hơn những kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững đối với những vấn đề đặt ra trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị vững và có khả năng chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu; xu hướng phát triển đô thị bền vững tại các quốc gia phát triển và đang phát triển; cách thức Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế để phát triển đô thị bền vững có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất việc phát triển đô thị bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian tới…
Hội thảo được chia làm 4 phần: Phần 1: Quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị trong bối cảnh Việt Nam (Phát triển đô thị bền vững phù hợp với Thỏa thuận Paris và những cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP 26; Bối cảnh, vấn đề và mục tiêu của các dự án phát triển đô thị bền vững: Một số bài học từ kinh nghiệm của AFD tại Việt Nam Cơ quan Phát triển Pháp AFD). Phần 2: Quy hoạch và Phát triển đô thị (Từ quy hoạch tập trung và theo quy chuẩn đến quy hoạch chiến lược: Kinh nghiệm của vùng đô thị Lyon; Công cụ Quy hoạch đô thị: những thành tựu gần đây ở Lyon và những thách thức trong tương lai). Phần 3: Xây dựng đô thị có khả năng chống chịu (Phát triển đô thị có khả năng chống chịu trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Phát triển đô thị có khả năng chống chịu: Những thách thức từ các mục tiêu quốc gia và châu Âu đến các chính sách công tại vùng đô thị Lyon). Phần 4: Công cụ hỗ trợ công tác quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp, bền vững và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (Chủ đề 1: Xây dựng các Quy hoạch sử dụng đất hài hòa hơn giữa các cấp; Chủ đề 2: Tăng cường quản lý quá trình chuyển đổi đất nông thôn thành đất đô thị; Chủ đề 3: Tăng cường hiệu quả quản lý các dự án đầu tư công để xây dựng đô thị có khả năng chống chịu).
Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu trên thế giới; bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long với 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị của 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở tác động đến sự phát triển đô thị miền núi và Tây Nguyên, với dự báo có 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất lớn.
Nhận thức vấn đề trên, Việt Nam đã xác định các quan điểm và định hướng phát triển đô thị theo hướng bền vững, xây dựng các đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Chuỗi Hội thảo về Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững ngoài phiên toàn thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp vào ngày 7/3, còn 3 phiên Hội thảo chuyên đề, sẽ được tổ chức từ tháng 5-7/2023 tại tỉnh Sơn La, Quảng Trị, Hậu Giang.
Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức theo dõi, quản lý lĩnh vực quy hoạch và xây dựng đô thị tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.