Đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế tại đêm khai trương Phố đi bộ Hai Bà Trưng vào tối 26-3-2023
Sau khi hoàn thiện hạ tầng đô thị trung tâm, thành phố triển khai đề án phát triển các sản phẩm DLDV về đêm. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm DLDV diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm các loại hình dịch vụ giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch đêm.
Bên cạnh các dự án quy mô lớn đã và đang triển khai trên địa bàn nhằm góp phần kích cầu du lịch và phát triển DLDV, du lịch đêm, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, Phố ẩm thực Nguyễn Văn Huyên, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…, tạo điều kiện cho người dân, du khách trải nghiệm các loại hình văn hóa nghệ thuật đường phố, thưởng thức ẩm thực Âu - Á, mua sắm hàng lưu niệm theo xu hướng hiện đại, sáng tạo.
Phố đi bộ Hai Bà Trưng khai trương ngày 26/3/2023 vừa qua cũng đã tạo được “tiếng vang”. Phố được tổ chức vào các tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, đây là phố đi bộ thứ 3 trên địa bàn. Thành phố vừa đồng thời nghiên cứu phương án tổ chức các DVDL ở Phố sau khi dự án chỉnh trang toàn tuyến hoàn thành. Phố đi bộ Hai Bà Trưng là sự kết hợp các khu vực thương mại sẵn có và khai thác các dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí về đêm cho người dân và du khách, góp phần quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Huế thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa. Ngoài ra, đây là không gian tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đường phố... góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho người dân địa phương và du khách và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hiện nay, tại thành phố Huế có 3 tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu (khu phố Tây), phố đêm Hoàng thành Huế và phố Hai Bà Trưng. Các tuyến phố bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn, thu hút du khách, tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa thành phố Huế trở thành điểm đến về đêm năng động, thú vị và đặc sắc.
Theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Huế - ông Đồng Sĩ Toàn, ngoài việc đưa vào hoạt động Phố đêm Hoàng thành và các tuyến phố đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ hấp dẫn, thành phố tiếp tục hoàn thiện đề án sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh đối với các tuyến đường đã khảo sát và đảm bảo tiêu chí đề ra, gồm Trương Định, Phạm Hồng Thái (Vĩnh Ninh); kiệt 139 Trần Hưng Đạo (Đông Ba)... Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở để hình thành khu phố ẩm thực Hàn Thuyên, phố mua sắm kết hợp ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, Chương Dương, tiếp tục kêu gọi đầu tư Bến xe Đông Ba để hình thành khu phố đêm và khai thác không gian trưng bày đặc sản Huế ở 15 Lê Lợi.
Phố đêm Hoàng Thành Huế là điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn trong bức tranh du lịch Huế về đêm
Mục tiêu của thành phố nhằm từng bước hình thành không gian đi bộ mới tại các tuyến đường xung quanh Hoàng Thành Huế, gồm Hai Mươi Ba Tháng Tám, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Hàn Thuyên, Đinh Công Tráng theo xu hướng mang đậm nét văn hóa truyền thống, giúp du khách khám phá sâu về các giá trị bản sắc văn hóa Huế. Hình thành chợ đêm tại khu vực bến xe chợ Đông Ba, đường Chương Dương, Trần Hưng Đạo, cụm tuyến đường quanh khu vực cầu Gia Hội như Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Đằng, phố cổ Gia Hội; khu vực công viên Kim Long đối diện đình làng Kim Long. Đồng thời, chỉnh trang vỉa hè tuyến đường Trương Định và không gian liên quan, hình thành không gian ẩm thực ba miền.
Huế có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, kinh tế đêm
Để phát triển DLDV đêm, thành phố đã và đang đầu tư nguồn lực, hoàn thiện và phát triển sản phẩm không gian đi bộ hai bên bờ sông Hương, điểm nhấn là các công viên trung tâm phía bắc và phía nam. Các trung tâm văn hóa, bảo tàng dọc đường Lê Lợi khởi động việc mở cửa về đêm cũng như tháo dỡ hàng rào ngăn cách ở phía sau - nơi tiếp giáp với không gian đi bộ nhằm tạo không gian bảo tàng văn hóa, nghệ thuật - đường đi bộ có sự kết nối, tạo ra điểm nhấn về đêm ấn tượng. Đồng thời, xây dựng cầu đi bộ kết nối với cồn Dã Viên nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch và kết nối chức năng ở khu vực trung tâm, tạo nên được tuyến đường đi bộ và tuyến đường kết nối liên tục dọc bờ sông đảm bảo sự kết nối với các khu vực xung quanh.